Tìm kiếm nhân tài trong thế giới hậu đại dịch

article

Tìm hiểu lý do vì sao đã đến lúc phải tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài – những người có thể chứng tỏ những năng lực và phẩm chất cho phép họ tư duy sáng tạo, làm việc linh hoạt và ra quyết định quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu. 
 
Nếu bạn được giao nhiệm vụ du hành ngược thời gian để kể cho một nhân viên văn phòng của thập niên 90 về công việc thường nhật của họ sẽ như thế nào vào năm 2020, bạn sẽ bị cười nhạo và bị mời ra khỏi văn phòng làm việc của họ. Trên đường ra, bạn sẽ đi ngang qua chiếc máy nước nóng lạnh và kho chứa đồ văn phòng phẩm. Người nhân viên văn phòng giả tưởng này đến từ thời đại dùng tài liệu giấy và mạng Internet quay số. Anh ta sẽ không tài nào hiểu nổi công việc của mình sẽ được thực hiện ra sao nếu không làm việc trong văn phòng.   

Và thậm chí, công bằng mà nói, cũng giống như anh nhân viên giả tưởng này, chỉ mới một năm trước đây thôi, chẳng ai trong chúng ta mảy may nghĩ rằng hành trình đi làm mỗi sáng của mình lại là việc di chuyển từ phòng này sang phòng khác trong nhà: Tạm rời xa những chuyến xe công cộng và tắc nghẽn giao thông, chúng ta làm quen với những chuyến đi dạo ngắn qua hành lang để tới văn phòng tạm thời tại nhà của mình. Từ những nền tảng hội nghị truyền hình, cho đến các công nghệ đám mây đáng tin cậy hơn, rồi cả việc nhanh chóng thích ứng với tác phong làm việc từ xa, các tổ chức (và cả nhân viên của họ) đã khắc phục tình hình hiệu quả.   

Các tổ chức và nhân viên của họ đã chứng tỏ khả năng kiên cường dẻo dai  

Theo Microsoft, trong giai đoạn đầu bùng phát đại dịch, kỷ lục hàng ngày của số biên bản cuộc họp liên tục bị xô đổ — kỷ lục trước đó là 900 triệu biên bản cuộc họp được lưu vào ngày 16/3, và đến 31/3, con số đó tăng vọt lên 2,7 tỉ biên bản cuộc họp, tăng đáng kinh ngạc ở mức 200% chỉ trong vòng 15 ngày. Dữ liệu này không có gì ngạc nhiên bởi đội ngũ nhân sự (HR) trên toàn cầu đều đã triển khai chính sách làm việc tại nhà; tuy nhiên, số liệu này cho thấy rằng các tổ chức đã nhanh chóng linh hoạt đến mức nào để đảm bảo rằng họ vẫn có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh trong thời điểm chưa từng có tiền lệ này.  

Đại dịch vi-rút corona (COVID-19) đã làm tăng tốc hàng loạt xu hướng tiềm năng, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và tự động hóa. Đại dịch cũng chính là một chất xúc tác để đẩy nhanh những xu hướng tất yếu sẽ diễn ra, chứ không phải là nhân tố gây gián đoạn không kiểm soát. Tác động của đại dịch đối với phương thức làm việc cũng gây ra một số thách thức về nhân sự trong trạng thái bình thường mới do liên quan đến việc tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài có kỹ năng làm việc.  

Bồi dưỡng nhân tài tỏ ra là một thách thức lớn lao  

Yếu tố cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay là xác định những người có thể chứng tỏ năng lực và phẩm chất cho phép họ làm việc hiệu quả trong trạng thái bình thường mới. Theo nghiên cứu của Pearson, các tổ chức đang vật lộn để tìm ứng viên nhằm khỏa lấp các vị trí việc làm, cũng như để đánh giá hiệu quả bộ kỹ năng của các ứng viên. Ngoài ra, những người tìm việc cũng tự nhận thấy họ mắc phải một câu hỏi hóc búa về phát triển sự nghiệp: họ thấy mình thừa tiêu chuẩn được tuyển dụng, hoặc thấy mình thiếu hụt kỹ năng, hoặc trong một số trường hợp là cả hai điều trên.  

Nghiên cứu chỉ ra rằng các chuyên gia nhân sự, học tập và phát triển đang chú trọng xác định tác động của tình hình thế giới thay đổi đối với tổ chức của họ và tới cấu trúc kỹ năng của lực lượng lao động, trong đó bao gồm khả năng hiểu biết (và xác định) những lỗ hổng kỹ năng. Theo dữ liệu thu được, 57% nhu cầu của doanh nghiệp chú trọng vào tìm hiểu cách thức tác động của đại dịch tới cấu trúc đội ngũ, phương thức làm việc và thiết kế tổng thể, còn 33% sự chú ý hướng đến việc trang bị lại kỹ năng cho lực lượng lao động.  

Phương thức làm việc mới đã khiến các kỹ năng mềm, như tư duy phản biện, khả năng thích ứng, hợp tác và giao tiếp trở nên có giá trị hơn bao giờ hết. Ngoài ra, những người tìm việc và nhân viên hiện nay vẫn còn thiếu hụt một số kỹ năng mềm cốt lõi, mặc dù chúng được coi là có vai trò tối trọng trong bối cảnh hiện nay. Tư duy phản biện và xử lý thông tin phức hợp là hai kỹ năng mềm mà nhiều lĩnh vực đều đang tìm kiếm, nhưng lực lượng nhân tài vẫn còn thiếu hụt.  

Theo nghiên cứu của Pearson, sau đây là 10 kỹ năng đầu bảng mà các tổ chức tìm kiếm, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: 

  1. Khả năng thích ứng và học tập không ngừng (38%) 
  2. Tư duy phản biện và ra quyết định (34%) 
  3. Xử lý và diễn giải thông tin phức hợp (31%) 
  4. Quản lý dự án (29%) 
  5. Khả năng lãnh đạo và quản lý người khác (27%) 
  6. Kỹ năng số cơ bản (25%) 
  7. Khả năng lập trình và kỹ năng CNTT nâng cao (25%) 
  8. Kỹ năng định lượng và thống kê (22%) 
  9. Kỹ năng toán học và phân tích dữ liệu nâng cao (22%) 
  10. Tinh thần khởi nghiệp và khởi xướng sáng kiến (20%)